Quy định quản lý hệ thống đo đếm điện năng
QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐO ĐẾM ĐIỆN NĂNG
1) Quy định này nhằm quản lý hoạt động của các hệ thống đo đếm điện năng mua bán giữa khách hàng ký kết Hợp đồng mua bán điện trực tiếp với bên bán điện.
2) Hệ thống đo đếm điện năng, bao gồm: Công tơ điện, máy biến dòng điện đo lường (TI), máy biến điện áp đo lường (TU), mạch đo và các thiết bị đo điện, phụ kiện phục vụ mua bán điện. Các thiết bị đo đếm điện năng phải phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam do tổ chức kiểm định được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường công nhận hoặc uỷ quyền thực hiện kiểm định.
3) Tính hợp pháp của các thiết bị đo đếm điện.
3.1 Các thiết bị đo đếm điện năng và thiết bị mẫu (phục vụ kiểm định thiết bị đo đếm điện năng) của bên bán điện trước khi đưa vào sử dụng phải được phê duyệt mẫu với cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt, thiết bị đo đếm thuộc tủ hợp bộ hoặc công trình hợp bộ do khách hàng đầu tư (không thể lắp đặt bổ sung hệ thống đo đếm bên ngoài), đơn vị hướng dẫn khách hàng tiến hành thủ tục phê duyệt mẫu với cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền.
3.2 Giám đốc Công ty Điện lực có trách nhiệm mua sắm đủ các loại công tơ và các thiết bị đo lường khác đáp ứng kịp thời nhu cầu lắp đặt, thay thế thiết bị của hệ thống đo đếm và các phương tiện khác để bán điện cho khách hàng theo đúng quy định và phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các thiết bị đo đếm điện.
3.3 Các đơn vị bán điện phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình, quy định trong kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ phương tiện đo, thực hiện nghiêm túc chu kỳ kiểm định định kỳ công tơ, kịp thời thay thế công tơ chết cháy; xử lý khẩn trương các khiếu nại của khách hàng về tình trạng hoạt động của công tơ và hệ thống đo đếm.
3.4 Các đơn vị bán điện chịu trách nhiệm nghiệm thu, quản lý, đảm bảo độ chính xác hệ thống đo đếm điện năng phục vụ mua bán điện trong quá trình sử dụng. Chỉ được phép đưa vào sử dụng các thiết bị đo đếm điện năng đã được kiểm định và kẹp chì, niêm phong theo đúng quy định của Nhà nước.
4) Bên bán điện có trách nhiệm tổ chức bộ phận thiết kế, lắp đặt, nghiệm thu, quản lý hệ thống đo đếm điện năng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và đảm bảo các quy định của nhà nước và Tập đoàn điện lực Việt Nam về quản lý đo đếm điện năng.
4.1 Việc thiết kế và thi công lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn điện và quản lý kinh doanh, khi hoàn thành công tác nghiệm thu phải kẹp chì niêm phong ngay hộp đấu dây (kể cả công tơ lắp trong hộp bảo vệ) và hộp bảo vệ công tơ.
4.2 Công tơ được lắp đặt trong khu vực quản lý của bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa đơn vị với khách hàng. Vị trí lắp đặt và việc lắp đặt công tơ phải đảm bảo an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho bên mua điện kiểm tra chỉ số công tơ và bên bán điện ghi chỉ số công tơ.
4.3 Việc thi công lắp đặt hệ thống đo đếm phải đảm bảo đi dây gọn, đẹp. Hộp bảo vệ công tơ có chất lượng tốt, hình thức đẹp. Bên ngoài hộp công tơ phải ghi tên hoặc mã số khách hàng bằng cách dán đề can hoặc phun sơn đảm bảo mỹ quan.
5) Treo, tháo các thiết bị đo đếm điện điện năng
5.1 Khi treo, tháo các thiết bị đo đếm điện điện năng (công tơ, TU, TI) phải có phiếu treo tháo do thủ trưởng đơn vị ký giao nhiệm vụ, lập biên bản treo tháo có sự chứng kiến và ký xác nhận của khách hàng.
Biên bản treo tháo được lập thành 02 bản và giao 01 bản cho khách hàng.
5.2 Trước khi treo, tháo các thiết bị đo đếm điện năng, người được giao nhiệm vụ phải:
a) Kiểm tra sự toàn vẹn của hệ thống đo đếm điện năng, chì niêm, niêm phong. Kiểm tra tình trạng hoạt động của công tơ, ghi chỉ số công tơ tại thời điểm treo hoặc tháo, hệ số nhân.... Kết quả kiểm tra phải được ghi đầy đủ vào Biên bản treo tháo thiết bị đo đếm điện năng.
b) Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc vi phạm Hợp đồng mua bán điện phải niêm phong, bảo vệ hiện trường, lập biên bản và yêu cầu khách hàng giữ nguyên hiện trường, có xác nhận của các bên có liên quan và người làm chứng (nếu có), báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời.
5.3 Trong vòng 24 giờ kể từ khi hoàn thành việc treo, tháo thiết bị đo đếm phải chuyển biên bản treo tháo thiết bị đo đếm về bộ phận quản lý hợp đồng để hoàn thiện hồ sơ và tiến hành các thủ tục cho khách hàng theo quy định
6) Kiểm định định kỳ thiết bị đo đếm điện năng
Chu kỳ kiểm định định kỳ công tơ, TU, TI thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học & Công nghệ kèm theo Quyết định số 25/2007/QĐ-BKHCN ngày 05/10/2007 về việc áp dụng Quy trình và chu kỳ kiểm định đối với các phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định, cụ thể:
- Công tơ 1 pha kiểm định định kỳ 05 năm 1 lần;
- Công tơ 3 pha kiểm định định kỳ 02 năm 1 lần;
- TU, TI kiểm định định kỳ 05 năm 1 lần.
7) Kiểm tra định kỳ thiết bị đo đếm điện năng
7.1 Nội dung kiểm tra định kỳ bao gồm: Kiểm tra sự toàn vẹn của hệ thống đo đếm, niêm chì; tình trạng hoạt động của công tơ; kiểm tra và đối chiếu tại chỗ các thông số kỹ thuật thực tế của hệ thống đo đếm với thông số đã ghi trên Biên bản treo tháo thiết bị đo đếm của lần kiểm tra gần nhất đang lưu tại hồ sơ quản lý hợp đồng.
7.2 Chu kỳ kiểm tra định kỳ tối thiểu như sau:
- Công tơ 1 pha đo đếm trực tiếp: 03 năm 1 lần;
- Công tơ 1 pha đo đếm gián tiếp: 02 năm 1 lần;
- Công tơ 3 pha: 01 năm 1 lần;
- Đối với công tơ đo đếm điện năng trung bình từ 100.000 kWh/tháng trở lên phải kiểm tra 06 tháng 1 lần;
TU, TI kiểm tra định kỳ 03 năm 1 lần.
8) Việc kiểm tra đột xuất công tơ và hệ thống đo đếm thực hiện theo yêu cầu quản lý của đơn vị hoặc của khách hàng. Nội dung kiểm tra thực hiện như kiểm tra định kỳ quy định tại mục 7.1 nêu trên. Chậm nhất 03 ngày sau khi nhận được yêu cầu của khách hàng, Điện lực hoặc Chi nhánh điện phải tổ chức kiểm tra hoặc kiểm định, sữa chữa hoặc thay thế xong.
9) Khi tiến hành kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng phải có sự chứng kiến và xác nhận của khách hàng hoặc đại diện của khách hàng vào Biên bản kiểm tra công tơ và hệ thống đo đếm hoặc Biên bản kiểm tra sử dụng điện.
Nếu khách hàng chưa đồng ý với kết quả kiểm định công tơ, thiết bị đo đếm điện năng thì Điện lực, Chi nhánh điện có trách nhiệm hướng dẫn khách
hàng liên hệ với Sở Công Thương để giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 của Luật Điện lực
10) Bên bán điện chịu toàn bộ chi phí (không thu tiền của khách hàng) cho các nội dung công việc, bao gồm: Kiểm tra, sửa chữa, kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm tra theo yêu cầu của khách hàng để đảm bảo công tơ và hệ thống đo đếm điện năng đạt tiêu chuẩn
11) Khi hệ thống đo đếm điện năng (công tơ, TU, TI và mạch đo) bị sự cố, người được đơn vị giao nhiệm vụ phải lập biên bản xác định rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan gây sự cố:
11.1 Trường hợp xác định là nguyên nhân khách quan thì phải thực hiện thay thế những thiết bị hư hỏng theo đúng quy định. Thiết bị đo đếm bị hư hỏng phải niêm phong có chữ ký của khách hàng và chuyển về bộ phận kiểm định để xác định sai số, làm cơ sở cho việc tính toán truy thu - thoái hoàn sản lượng và tiền điện tương ứng.
11.2 Trường hợp xác định là nguyên nhân chủ quan do lỗi của khách hàng hoặc đơn vị quản lý, hiện trường được niêm phong, lập biên bản mời khách hàng đến đơn vị để giải quyết.
11.3 Khi mở niêm phong và kiểm định công tơ, thiết bị đo đếm phải có sự chứng kiến và xác nhận của khách hàng
12) Chậm nhất 24 giờ, sau khi có kết quả kiểm định, bộ phận quản lý hệ thống đo đếm điện năng phải chuyển kết luận đến khách hàng và đơn vị quản lý khách hàng để giải quyết việc thanh toán tiền điện và bồi thường tài sản (nếu do lỗi của khách hàng).
Hãy liên hệ với chúng tôi khi quý khác hàng có nhu cầu dịch vụ thi công điện:
Hotline: 0933.477.466 evnhaiphong@gmail.com
Hải Phong hân hạnh được phục vụ Quý vị!